8 loại trí thông minh khác nhau (MI), và cách nuôi dạy trẻ thích hợp.
- Ín
- Jan 7, 2020
- 14 min read
Updated: Apr 10, 2023
Thôi thúc từ những người bạn, và vì Ín rất bất bình trước quan điểm thông minh logic - toán học mới là trí tuệ thật sự. Ơ, đá banh giỏi cũng là một loại năng lực in ra tiền đấy.
Vậy nên, Ín đã làm 1 số research về trí thông minh tự nhiên của con người để trả lời câu hỏi “làm sao để giỏi” trong lĩnh vực mà mỗi đứa trẻ được thiên phú, và vai trò bố mẹ trong quá trình nuôi dưỡng trí thông minh của trẻ.
(Lưu ý: Ín nhấn mạnh là Ín chưa có con. Những thông tin bên dưới được tìm hiểu và dịch từ nhiều bài bài viết khoa học của các chuyên gia về trí tuệ con người dựa trên lý thuyết của Howard Gardner, và sự phát triển trí tuệ ở trẻ em. Hoàn toàn không thiên vị từ kinh nghiệm bản thân, hay cụ thể một đứa trẻ nào cả. Nguồn các bài viết Ín sẽ để cuối bài.)
Đầu tiên, hệ thống giáo dục ở rất nhiều nước hiện chỉ đang chú trọng về trí thông minh mà chúng ta thường nghĩ đến đầu tiên: logic - toán học (Logical - Mathematical). Thậm chí ở Anh và Mỹ, mặc dù nhiều giáo viên và phụ huynh ý thức được về các loại trí thông minh khác nhau, thì bài test quyết định vào đại học của họ (đa số môn A-Levels ở Anh, và SAT ở Mỹ) vẫn là xác định trí thông minh logic - toán học. Những bạn trẻ thi được điểm thấp thì liền bị gắn mác "kém thông minh". Hơn nữa, thực trạng là nhiều trường cũng không thể xây dựng chương trình học dành riêng cho từng loại trí thông minh được.
Vậy, các loại trí thông minh khác là gì; làm sao để tự xác định; và với vai trò mẹ trẻ con, bạn có thể làm gì?
Theo cuốn sách Frames of Mind (1983) của Howard Gardner, giáo sư của đại học Harvard, thì trong mỗi người sẽ có 8 loại trí thông minh, được gọi là Multiple Intelligence (MI). Và mỗi người sẽ có những trí thông minh nổi trội hơn (chiếm tỉ trọng cao hơn) những loại khác, không ai giống ai cả. Nhân vật con nhà người ta khôi ngô tuấn tú, lại còn giỏi toàn tập như Đê-khi trong Đô-rê-mon thì chỉ xuất hiện trong truyện tranh thôi. hehe.
Sự kết hợp và tương tác lẫn nhau của cả 8 loại trí thông minh này làm nên cái gọi là “khả năng” của một cá thể, và được Giáo sư Gardner liệt kê như sau:
Linguistic intelligence - trí thông minh ngôn ngữ
Logical-mathematical intelligence - trí thông minh logic-toán học
Naturalistic intelligence - trí thông minh về thế giới tự nhiên
Musical intelligence - trí thông minh âm nhạc
Body-Kinesthetic intelligence - trí thông minh thể chất - vận động
Spatial / Visual Intelligence - trí thông minh không gian / thị giác
Interperson intelligence - trí thông minh trong tương tác xã hội
Intraperson intelligence - trí thông minh nội tâm

(Đây không phải là hình gốc của Gardner, nhưng mình thấy hình này trực quan và gần gũi hơn.)
Để các bạn dễ hình dung hơn về tổ hợp 8 loại trí trong minh trong một con người, Ín đã tự làm test và sẽ screenshot kết quả để các bạn xem nhé. Theo kết quả này thì Ín có các trí thông minh cốt yếu là: ngôn ngữ, nội tâm, thế giới thiên nhiên, không gian / thị giác. Còn lại thì là dốt toán, điếc âm nhạc, suýt ở lại lớp vì môn thể dục, và không thích người lạ.

1. Linguistic intelligence - trí thông minh ngôn ngữ
Định nghĩa: Là khả năng dùng ngôn ngữ để thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình. Có thể cực kỳ giỏi trong việc sử dụng lời nói (verbal), hoặc viết lách (written), hoặc cả hai. Thường nhạy cảm trong việc sử dụng từ ngữ, và có vốn từ vô cùng phong phú. Thích kể chuyện, viết chữ, chơi các trò giải đố chữ (word puzzles, puns).
Nếu các bạn có một đứa bạn mà nó suốt ngày đi theo nhắc bạn sai chính tả kìa, thì trăm phần trăm là nó có trí thông minh ngôn ngữ hơn người. (Không có chiều ngược lại nha.)
Những đứa trẻ có tỉ trọng trí thông minh ngôn ngữ cao thường gặp khó khăn và hay chán ngán việc học Toán và các môn Khoa Học. Để giúp các bé làm quen với việc đếm số, bố mẹ có thể bày các trò chơi nhập vai hoặc kể chuyện, mà trong đó nhân vật bé kể phải đếm vật dụng nào đó. Hoặc chơi một thí nghiệm, và bé có vai trò miêu tả và ghi nhận kết quả. Những hoạt động này cũng giúp nuôi dưỡng tài năng ngôn ngữ của các bé.
Những nghề nghiệp phổ biến trong nhóm này là tiểu thuyết gia, chính trị gia, diễn viên hài kịch (comedian kể chuyện hài trên sân khấu í, phổ biến ở nước ngoài hơn), hoặc luật sư.
Những thứ đồ chơi dành cho trẻ có trí thông minh Ngôn Ngữ chỉ bao gồm… giấy viết, bút màu. Đỡ tốn kém phết. =)) Hoặc nếu xịn xò hơn bạn có thể mua journals (nhật ký) cho bé nha. Vừa có thể nuôi dưỡng sở thích, vừa giúp bé tập thể hiện cảm xúc, và bạn cũng có thể hiểu bé hơn.
Nếu muốn làm trò chơi với bé thú vị, nhiều màu sắc hơn, kích thích thị giác và motor skills (kỹ năng vận động), các bạn có thể tham khảo các bộ thí nghiệm khoa học này, trong đây có hẳn một “cuốn ghi chú phòng lab” hẳn hoi nhé. Nếu bé nhà bạn chưa biết viết, thì dùng điện thoại để ghi âm cũng được luôn. Quan trọng là bạn hợp tác nhập vai cho bé thêm hứng thú. Ín đã chơi cái Rainbow lab kit với một cậu trai 6 tuổi. Và bây giờ cậu đang hỏi khi nào thì được chơi cái trò trộn nhiều thứ lại với nhau và nó nổ "KaBOOM!" Vậy mà lên Amazon tìm nó cũng ra đúng ý cậu luôn mới hay chứ. =)))
Hình 2 bộ lab kit và journal để các bạn tham khảo:
2. Logical-mathematical intelligence - trí thông minh logic - toán học
Định nghĩa: Là khả năng trật tự hoá mọi thứ, lý giải, đưa ra kết luận từ những phân tích, phân loại sự vật, sự việc. Nhạy béng với những thứ liên quan đến toán học, xu hướng của số liệu. Rất giỏi trong kỹ năng suy luận tuần tự, tư duy quy nạp, và suy diễn. Đặc biệt, hỏi nhiều vô cùng những câu hỏi “vì sao?” và “bằng cách nào?”
Những đứa trẻ sở hữu trí thông minh này với tỉ trọng cao thì tự nhiên sẽ giỏi Toán và các môn Khoa Học, nên thường không làm phụ huynh phiền lòng. Thế nhưng cuộc sống thì nhiều hơn những bài toán. Thậm chí đi học cũng phải học nhiều môn đó.
Các chuyên gia khuyên là, những đứa trẻ này cần được củng cố thêm kinh nghiệm thuộc phạm trù xã hội. Việc này có thể thực hiện bằng cách cho trẻ xem những quyển sách muôn thú nhiều màu sắc, rồi hỏi trẻ nên phân loại chúng theo cách nào. Các bạn có thể gợi ý là theo màu sắc, theo kích thước, hoặc môi trường sống, v.v. Hay trang phục các quốc gia trên thế giới cũng vui đó. (Mình nhớ có nhìn thấy một cuốn như vậy ở British Museum.) Một hoạt động khác là cho bé nghe nhiều âm thanh từ các nhạc cụ khác nhau, và hỏi bé nhận xét, so sánh, hoặc phân loại các âm thanh này như thế nào. Việc này thật sự rất quan trọng. Vì thực tế có những bạn học rất giỏi, nhưng lại không có kỹ năng giao tiếp xã hội. Dẫn chứng cụ thể nhất: kỹ sư phần mềm thường ế vì không tinh tế.
Nghề nghiệp phổ biến của nhóm này là nhà toán học, nhà khoa học, kỹ sư, kế toán. Nhìn chung là những nghế cần vận dụng khả năng tính toán và suy luận logic.
3. Naturalistic intelligence - trí thông minh về thế giới tự nhiên
(Có nhiều chỗ dịch là “trí thông minh tự nhiên” mình thấy nghe dễ gây hiểu lầm.)
Định nghĩa: Khả năng ghi nhớ, phân loại các loài sinh vật (thực vật và động vật) trong tự nhiên. Thường đặc biệt thích các hoạt động ngoài trời, cảm thấy thoải mái khi ở ngoài thiên nhiên. Tình yêu của các bạn có trí thông minh loại này đối với thiên nhiên, muôn loài là hết sức chân thật, dù là ở độ tuổi nào đi nữa.
Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng, khi xã hội loài người còn ở trong hang động và nguồn thực phẩm có được là từ hoạt động săn bắt - hái lượm, thì đây là một trí thông minh vô cùng hữu ích. Nghe cũng hợp lý, vì nó gắn liền với sinh tồn trong thiên nhiên. Chứ đi săn heo rừng thì ai mà cần làm toán đúng hok? (Trừ phi là tính vận tốc heo chạy so với người, sin cos tan của góc ném đá. Đau não quá, thôi bỏ qua nha.)
Với các “đối tượng” thuộc nhóm này thì phương pháp hiệu quả nhất chính là cho các bé quan sát hiện tượng trong tự nhiên, đặc biệt là những hiện tượng nguyên nhân - kết quả có thể giúp các bé phát triển suy luận, óc quan sát. Bên cạnh đó, để thu hút sự chú ý của “đối tượng”, bạn có thể dùng những hình ảnh liên quan đến thú vật, cây cối, núi biển bất kỳ khi nào có thể.
Những nghề vận dụng được trí thông minh này nhất tất nhiên là những nghề liên quan đến sinh vật học hoặc địa chất rồi.
Dưới đây là một số vật dụng các bạn có thể cùng với nhà khoa học nhí của mình nuôi dưỡng niềm đam mê với khoa học và môi trường sống:
(Mình có lần sang nhà cậu trai 6 tuổi kia chơi ké cái kính hiển vi rùi. Nhà cậu í có hẳn một cái xịn xò luôn cơ. Y như trong phòng thí nghiệm sinh học ngày xưa ở trường í. Mê tít thò lò luôn! Như mấy cái này nè: link.)
Ngoài ra thì còn có thể gắn bird feeder để bé cho chim ăn (như hình bên dưới). Nếu các bạn có mua cái này thì lưu ý mua đúng loại thức ăn cho chim luôn bạn nhé.
4. Musical intelligence - trí thông minh âm nhạc
Định nghĩa: Khả năng cảm nhận cao độ, âm điệu, nhịp điệu, âm sắc. Dễ dàng nhận ra những âm thanh mà người khác bỏ qua. Nhiều người hay gọi đây là khả năng “cảm âm”. Cảm âm hoàn hảo chính là mức độ thiên phú bậc nhất của trí thông minh này.
Một số nhà khoa học cho rằng trí thông minh âm nhạc có liên hệ mật thiết với trí thông minh logic - toán học, vì những người sở hữu 1 trong 2 loại trí thông minh này có quá trình tư duy, suy luận khá giống nhau.
Để chơi và hướng dẫn những đứa trẻ có xu hướng âm nhạc, các chúng ta chỉ cần tạo ra âm thanh thôi. Thậm chí chén muỗng đũa gõ với nhau theo nhịp điệu cũng có thể làm mấy em vui vẻ đấy! Một ví dụ trong việc dạy những nhà soạn nhạc nhỏ tuổi này học toán là cùng chúng đếm xem có bao nhiêu nhịp trống, vân vân; hoặc cùng nhau tạo ra một giai điệu nào đó theo nhịp đếm bằng nhạc cụ.
Bạn cũng đừng vội lo lắng đứa trẻ của bạn sau này sẽ sống khó khăn, không kiếm được nhiều tiền. Đó là quan niệm rất xa rồi. Chúng ta hãy nhìn vào Đen, Taylor Swift, và các Youtuber triệu đô. haha. Quan trọng là hạt giống phải được ươm mầm. :)
Chú voi bên dưới vi diệu lắm nè. Vừa chơi được 7 loại đạo cụ, vừa chơi được trò tháo ráp, rất có ích cho việc luyện tập motor skills và spatial intelligence (trí thông minh không gian).
5. Body-Kinesthetic intelligence - trí thông minh thể chất - vận động
Định nghĩa: Là khả năng dùng cơ thể của mình để thể hiện cảm xúc và xử lý vấn đề. Thường thể hiện xu hướng thích thể thao và các trò chơi vận động. Kỹ năng vận động và điều khiển các bộ phận cơ xuất sắc.
Cũng giống với đứa trẻ có trí thông minh ngôn ngữ nổi trội, những đứa trẻ có tỉ trọng trí thông minh thể chất - vận động cao thường rất khó tiếp thu các môn Toán học, Khoa học theo cách giáo dục thông thường. Ví dụ như, việc đếm số bằng que, dù que có làm bằng gỗ thông organic đi chăng nữa. Tuy nhiên, trò chơi từ thời La Mã: nhảy lò cò, (yeah mình cũng rất ngạc nhiên rằng trò này không phải thuần Việt, haha), lại sẽ giúp các bé đếm bước nhảy và làm quen với số tốt hơn.
Những nghề nghiệp nào cho phép tận dụng khả năng vận động cơ thể? Có thể bạn nghĩ, chỉ có vận động viên thể thao thôi. Đúng, nhưng chưa đủ. Ngoài ra, còn phải kể đến nghề diễn viên, nghệ thuật điêu khắc, bác sĩ phẫu thuật. Yep, bác sĩ phẫu thuật đòi hỏi một đôi tay vô cùng khéo léo. Những bộ phận trong cơ thể nó cứ san sát nhau, rủi mà cắt lệch một chút là hoạ gián xuống đầu roài. Còn khả năng điều khiển biểu cảm trên khuôn mặt, cử chỉ ngôn ngữ cơ thể của các diễn viên cũng chính là trí thông minh thể chất - vận động.
Những món đồ chơi rèn luyện kỹ năng vận động (motor skills), Ín search trên Amazon UK, các bạn xem thử để dễ nhận biết khi mua đồ chơi cho các bé. Các bạn có thể thêm keyword tuổi cho phù hợp hơn nha:
6. Spatial/Visual Intelligence - trí thông minh không gian / hình ảnh
Định nghĩa: Khả năng nhận biết thế giới vật chất và không gian xung quanh, cùng với khả năng tái hiện biến đổi khía cạnh hình ảnh của sự vật. Khả năng xác định phương hướng và vật thể 3D đặc biệt tốt. Thường có trí nhớ hình ảnh tốt và dễ dàng đọc các loại bản đồ, bản vẽ.
Thời xa xưa thì thợ săn chính là một “nghề” vận dụng trí thông minh không gian phổ biến (kết hợp với trí thông minh về thiên nhiên). Hiện nay, bên cạnh các ngành liên quan đến hàng không, hàng hải, thì những ngành như thiết kế đồ hoạ, nghệ thuật điêu khắc, nhà phát minh, kỹ sư phần cứng (hardware engineer) cũng đòi hỏi trí thông minh không gian cao.
Những đứa trẻ có tỉ trọng trí thông minh không gian / hình ảnh cao sẽ tiếp thu nhanh hơn bằng cách xem hình, thay vì nghe hay đọc. Bất kỳ khi nào có thể, bạn hãy dùng hình ảnh để giải thích những khái niệm mới cho em bé nhà mình. Hoặc cũng có thể giúp bé ghi nhớ bằng cách cùng thực hiện một hoạt động và cho bé vẽ lại quá trình diễn ra hoạt động đó. Bố mẹ có thể chuẩn bị trong nhà thật nhiều sách với hình ảnh về các chủ đề khác nhau để bản thân không cảm thấy thiếu thốn tài nguyên giao tiếp với bé. Ngược lại, bạn cũng chuẩn bị cho bé thật nhiều giấy và bút màu để bé có "đất" thể hiện suy nghĩ và cảm xúc của mình. (Lưu ý, việc bé có trí thông minh không gian / hình ảnh cao, không đồng nghĩa với việc bé sẽ vẽ đẹp xuất sắc theo cách bạn mong đợi nha.) Các bé này sẽ rất thích chơi những trò như giải mê cung, bản đồ, và cuối cùng, thần-thánh-nhất vẫn là lego (hoặc các trò tháo ráp tương tự, như chú voi nhạc cụ ở trên cũng được nè).
7. Interperson intelligence - trí thông minh trong tương tác xã hội
Định nghĩa: Khả năng thấu hiểu những người xung quanh, nhanh chóng nhận biết sự thay đổi dù là nhỏ nhất trong các mối quan hệ giữa người và người. Thường có kỹ năng giao tiếp tốt, nhanh chóng hoà đồng trong nhóm đông người. Thích giao tiếp với người khác, và có khả năng đóng vai trò trung gian giản hoà trong các cuộc xung đột. Có thể nhanh chóng tạo được ảnh hưởng đối với người khác nên rất thuận lợi trở thành “lãnh đạo”.
Hiện thân của những người có trí thông mình này trọng yếu là các chính trị gia, nhân viên bán hàng, giáo viên, tư vấn viên.
Những đứa trẻ có tỉ trọng trí thông minh này cao sẽ học và làm việc tốt nhất trong nhóm. Vậy nên, khi có thể, hãy tổ chức thực hiện các trò học mà chơi - chơi mà học theo nhóm. Những lúc khác, bạn có thể bầy trò chơi bằng thú nhồi bông hay những chú rối ngón tay nhé.
8. Intraperson intelligence - trí thông minh nội tâm
Định nghĩa: Đặc biệt thấu hiểu bản thân mình. Biết mình là ai, có thể làm gì. Dễ dàng điều khiển cảm xúc và tâm trạng của bản thân. Thích làm việc một mình. Thường xuyên quan sát hành vi và cảm xúc của người xung quanh nên có thể nhanh nhạy trong việc phán đoán phản ứng của họ. Hay đặt câu hỏi về giá trị và lý do tồn tại của bản thân. Khả năng tự động viên bản thân đặc biệt nổi trội hơn bất kỳ nhóm nào khác.
Thường intraperson và interperson intelligence sẽ tỉ lệ nghịch với nhau.
Mình chỉ tìm thấy một nguồn duy nhất nói rằng nhóm này có xu hướng nghề nghiệp là nhà tâm lý học, nhà truyền giáo, hoặc triết học. Tâm lý học và triết học nghe có vẻ hợp lý nếu tính về khía cạnh thấu hiểu bản thân và nhân loại. Nhưng “truyền giáo” thì nghe có vẻ không thuyết phục lắm, vì không phải làm truyền giáo thì phải tiếp xúc với rất nhiều người sao, hmm? Những nguồn khác thì cho rằng người có trí thông minh nội tâm cao sẽ thành công trong bất kỳ nghề gì mà họ có thể tự do làm phần việc của mình một mình.
Các bài viết mình đọc khuyên rằng, để khuyến khích đứa trẻ hướng nội của mình va chạm nhiều hơn, các bạn có thể sắp xếp cho các bé được tự tay làm những thí nghiệm, và hoạt động của nhiều khía cạnh khác nhau trong cuộc sống, rồi cho bé tự ghi nhận lại kết quả mà bé đã quan sát được. Ghi nhận có thể là dùng lời để miêu tả, dùng giấy để viết, hoặc, quay phim lại cả quá trình chẳng hạn, hoặc kết hợp cả ba. Linh hoạt để tránh nhàm chán bạn nhé.
Dưới đây là một số thứ các bé có thể tự chơi (hoặc bố mẹ chỉ cần giúp đọc hướng dẫn) trong lĩnh vực khoa học như đã nói ở trên. (Thật ra cá nhân mình nghĩ là tất cả đồ chơi của các nhóm khác đều được, nhưng cần xác định thêm bé có trí thông minh cốt yếu nào khác bên cạnh "nội tâm".) Ngoài ra, bố mẹ có thể dẫn bé ra công viên ngồi ghế đá quan sát chim bay cá lượn chẳng hạn.
Các năm gần đây người ta còn phân tích chi tiết thêm 2-3 loại trí thông minh khác nữa. Như loại Naturalist cũng là mới, chứ ban đầu chỉ có 7 loại thôi. Nhưng mình dừng ở 8 loại này vì mình thấy không nhiều người công nhận các loại mới kia. Và mấy loại mới nghe cũng rất trừu tượng. Ví dụ: Existential, thắc mắc về lý do chúng ta đến Trái Đất này. Có lẽ 10 năm nữa mình sẽ nghĩ khác. hehe.
Kết lại, ở mỗi người chúng ta đều có nhiều loại trí thông minh, và tổng hợp các loại này là lý do chúng ta thích làm việc kế toán hơn hay marketing hơn, là lý do chúng ta vẽ đẹp hay dễ bị lạc đường. Giai đoạn vàng những đứa trẻ con của chúng ta còn bước đi chung với mình, bố mẹ hãy là người kiến tạo và ươm mầm hạt giống tài năng của em bé nhé. Đừng để định kiến của mình, hay hình ảnh soái ca Đê-khi trong Đô-rê-mon làm mình vô tình áp đặt những thứ không phù hợp với con trẻ. Nếu em bé của bạn yếu ở kỹ năng nào đó, hãy giúp em bằng cách nương theo loại trí thông minh của em để giải thích và luyện tập nhé.
References - Những kiến thức trên mình đọc ở các nguồn sau đây:
FPT Techinsight: https://techinsight.com.vn/kham-pha-9-loai-tri-thong-minh-cua-con-nguoi-ban-thuoc-loai-nao/
The Better Toy Store: https://www.thebettertoystore.com/multiple-intelligences
Child Development Institute: https://childdevelopmentinfo.com/learning/multiple_intelligences/#gs.pmlnfg
Business Balls: https://www.businessballs.com/self-awareness/howard-gardners-multiple-intelligences/#multiple%20intelligences%20tests
Note:
Các loại đồ chơi trong bài là để các bạn dễ hình dung loại thích hợp, khi bạn lựa đồ chơi nhớ lưu ý thêm độ tuổi thích hợp nhé.
Trong bài viết mình có xài đường dẫn affiliate của Amazon. Nếu các bạn mua hàng từ những link Amazon của mình thì mình cảm ơn, Amazon sẽ tự trả cho mình hai phần trăm, bạn sẽ không bị tính thêm tiền gì đâu nhé.
Cheers! <3
Comentários